Sử dụng máy vi tính thế nào để không hại mắt?

TT – Con tôi còn nhỏ nhưng cháu hay sử dụng máy vi tính. Xin hỏi sử dụng thế nào cho không hại mắt? Mắt cận thị có phẫu thuật được không, chi phí bao nhiêu? Sau khi phẫu thuật mắt có bình thường? (Trương Ngọc Mai – Tân Hiệp, Hậu Giang)

BS Trần Hải Yến – trưởng khoa khúc xạ BV Mắt TP.HCM: Mỏi mắt rất hay gặp ở những người sử dụng máy vi tính. Cho đến nay chưa có bằng chứng cho thấy dùng máy vi tính nhiều gây tổn hại mắt vĩnh viễn, vì ánh sáng hắt ra từ màn hình vi tính không đủ để gây tổn hại cho mắt. Thế nhưng nó có thể gây khó chịu và mệt mỏi khi sử dụng kéo dài.

Để hạn chế khó chịu và mỏi mệt, nên giảm chói bằng cách đặt máy vi tính vuông góc với cửa sổ hay giảm ánh sáng đèn trong phòng; thường chớp mắt để giữ độ ẩm cho mắt; nghỉ giải lao khoảng 10 phút sau mỗi 45 phút làm việc bằng cách ngưng nhìn vào màn hình và nhắm mắt trong ít phút; giữ khoảng cách giữa máy tính và mắt 50-70cm; đặt màn hình nằm dưới mắt khoảng 10-20cm, giống như tư thế đọc sách báo; nếu cùng làm việc với một tài liệu khác thì giữ khoảng cách giữa mắt với tài liệu và màn hình giống nhau và cạnh nhau; điều chỉnh tư thế ngồi hợp lý và có chỗ dựa phù hợp; vận động và thư giãn sau mỗi hai giờ làm việc.

Mắt cận thị có thể phẫu thuật được nếu người cận thị, viễn thị trên 18 tuổi và có độ cận, viễn ổn định ít nhất sáu tháng. Chi phí phẫu thuật cận, viễn thị từ 6-7,5 triệu đồng/mắt với phương pháp laser excimer, nếu mổ bằng phương pháp phakic IOL khoảng 15 triệu/mắt, tùy theo từng trường hợp cụ thể. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không phải đeo kính, có thể đạt thị lực tối đa bằng thị lực chỉnh kính trước mổ.               

Theo NG.QUANG

Báo Tuổi trẻ

Cận thị học đường

Cận thị học đường hiện là một vấn đề xã hội đáng chú ý. Theo thống kê, gần đây, tỷ lệ cận thị trong học sinh ở ngoại thành và nội thành TPHCM là 33% và 68,8%. Cận thị xuất hiện nhiều nhất so với các tật khúc xạ khác (viễn thị, loạn thị).

Nên đưa trẻ đến khám mắt ở các trung tâm chuyên khoa mắt khi có dấu hiệu bệnh khúc xạ.

Tật khúc xạ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của học sinh.

Do mắt kém, trẻ ít hoạt động thể dục thể thao khiến cơ thể không phát triển tốt; mắt nhìn kém khiến trẻ dễ bị tai nạn khi vui chơi; tâm lý dễ bị mặc cảm, ít hòa đồng. Trong học tập, trẻ thường đọc chậm, dễ nhầm dấu, sót chữ, mau mệt và mỏi mắt.

Nguyên nhân ảnh hưởng đến tật khúc xạ thường do môi trường. Ở trường, có thể trẻ học nhiều trong môi trường thiếu ánh sáng; đọc sách ở cự ly gần trong thời gian dài; bàn ghế không phù hợp với chiều cao học sinh; bảng sơn màu không tương phản với màu phấn viết, hoặc bị chói sáng…

Ở nhà, có thể trẻ thường đọc sách trong tư thế nằm ngửa; đọc ở những nơi không đủ ánh sáng hoặc đọc sách có cỡ chữ nhỏ, giấy mờ hoặc quá bóng. Xem tivi, chơi vi tính nhiều giờ liên tục hoặc với cự ly gần…

Vệ sinh thị giác để tránh tật cận thị

Đây là vấn đề rất quan trọng, nhất là với trẻ em. Khi học bài hoặc làm việc cần phải ở trong môi trường có ánh sáng đầy đủ và phân bố đều; tư thế phải tự nhiên thoải mái; bàn học phải hơi dốc sao cho mặt sách vở tạo với trục thị giác một góc vuông – khoảng cách giữa mắt với bàn khoảng 30cm – để tránh tình trạng cúi đầu và lưng trong lúc học. Chữ phải rõ ràng, giấy không được quá bóng láng.

Đối với những trẻ đã bị cận thị thì phải mang kính đúng độ, mang thường xuyên để giúp mắt ít mỏi mệt. Cần cho trẻ có sinh hoạt ngoài trời xen với thời gian học trong phòng. Hướng dẫn trẻ không đọc sách ở cự ly quá gần (dưới 30 cm). Sau khoảng 45-60 phút đọc sách hoặc sử dụng máy vi tính cần cho mắt nghỉ ngơi 5-10 phút bằng cách nhắm mắt, xoa nhẹ vùng mi mắt, hoặc phóng tầm nhìn ra xa trên 5m.

Làm việc với máy vi tính thì nên giữ khoảng cách giữa mắt và máy khoảng 50- 70cm. Nên đặt máy dưới tầm mắt khoảng 10-20cm. Khám thị lực định kỳ 1-2 lần/năm ở những trung tâm khúc xạ tin cậy, có chuyên viên khúc xạ hoặc bác sĩ chuyên khoa đảm nhiệm.

Khi nào cần cho trẻ mang kính?

Nói chung, khi nào thị lực giảm, làm ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ thì cần phải mang kính. Đối với cận thị, nên cho các em mang kính sớm, dù là độ nhẹ. Cần mang kính trong trường hợp loạn thị có độ trên 1.00 D hoặc viễn thị có độ trên 2.00 D kèm các dấu hiệu: nhìn không rõ, nhức mắt, mỏi mắt khi đọc…

* Với sinh viên hay công chức trẻ bị tật khúc xạ nhưng không thích mang kính vì lý do công việc hay thẩm mỹ, có thể phẫu thuật khúc xạ bằng Laser Excimer.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện đã được trang bị hệ thống phẫu thuật khúc xạ bằng Laser Excimer thế hệ mới, hiện đại nhất, có khả năng xử lý những trường hợp cận thị nặng phức tạp, loạn thị, viễn thị và lão thị. Bạn đọc có nhu cầu có thể liên hệ với Phòng tư vấn khúc xạ của bệnh viện hoặc qua số điện thoại: 9.559.855 – 0913.650.105 – 0903.668.081.

Theo BS. NGÔ VĂN HỒNG
(Khoa Mắt BV Chợ Rẫy)

 

Bài tập thể dục cho đôi mắt đang bị mệt mỏi

 

Hàng ngày, đôi mắt của bạn phải chịu nhiều tác động như gió, bụi, ánh sáng quá chói chang hoặc quá mờ… Vì vậy, đôi mắt cũng cần phải tập thể dục để duy trì thị lực và độ tinh tường.
Các bài tập hữu ích dưới đây sẽ giúp mắt bạn được thư giãn và mau chóng lấy lại vẻ tinh anh.

1. Bạn hãy từ từ khép hờ mắt

Giữ nguyên trạng thái này và đếm từ 1 – 20. Nếu cảm thấy mỏi mắt, bạn có thể “nghỉ xả hơi” bằng cách nhắm lại trong vài giây.
Sau đó, bạn thực hiện động tác trên trở lại.
Đây là bước khởi động cho quá trình luyện tập. Mục đích là để mắt mau chóng thích nghi với các bài tập kế tiếp phức tạp hơn.

2. Hãy đặt mép ngoài của bàn tay lên phía đuôi mắt và kéo nhẹ ra hướng tai

Tiếp theo, bạn nhắm mắt từ từ và khép hờ giữa 2 mí. Giữ nguyên trạng thái này và bắt đầu đếm từ 1 – 20. Làm xong, bạn nhắm mắt bình thường trong vài giây.
Lặp lại bài tập 5 – 6 lần.
Động tác này giúp kéo căng cơ của mí mắt trên và dưới. Bạn sẽ thấy bầu mí trên không còn “quá tải” nữa. Mọi mệt mỏi, nặng trĩu của đôi mắt sẽ mau chóng tiêu tan.

3. Bạn thấy mọi vật xung quanh trở nên mờ đi

Đó là do nhãn cầu của bạn quá mệt mỏi. Bạn có thể thư giãn cho nhãn cầu bằng cách mở mắt to, quay nhãn cầu theo hướng từ trên xuống và nhắm lại trong 10 giây.
Sau đó, bạn hướng tầm nhìn lên trên, ra phía trước, xuống dưới, ra trước rồi nhắm mắt lại.

4. Mở mắt, nhìn thẳng

Đặt nhẹ ngón tay trỏ và giữa lên trên và dưới mắt, kéo ngang từ từ sang 2 bên thái dương.

5. Hướng tầm nhìn của mắt vào chóp mũi rồi nhìn một điểm khác ở xa hơn

Thực hiện 5 lần rồi nhắm mắt nghỉ trong 2 – 3 giây, sau đó tập tiếp 5 – 6 lần.

6. Đưa ngón tay trỏ cách mắt khoảng 30cm

Đầu tiên, bạn nhìn tiếp vào một điểm xa hơn.
Thực hiện 5 lần rồi nhắm mắt lại.

7. Khép mắt lại, ngón tay cái đặt ở thái dương làm điểm tựa

Bạn dùng các ngón còn lại nhấn và xoa nhẹ nhàng quanh vùng mắt.
Đây là cách đơn giản nhất để bạn massage cho “cửa sổ” giúp các mạch máu tại đây lưu thông tốt hơn.
 
Theo Tiếp Thị Gia Đình

 
 
Hội chứng về mắt do sử dụng máy vi tính
 
 Theo TRẦN HOÀI LONG (Chuyên viên Khúc xạ Khoa Ðiều trị Khúc xạ, BV. Mắt TPHCM)

Trong một số công trình nghiên cứu của Mỹ, người ta thấy có khoảng 3/4 số người thường xuyên sử dụng máy tính gặp các rối loạn chức năng về mắt. Vậy nếu bạn là người thường xuyên sử dụng máy vi tính, có thể bạn sẽ gặp phải một trong những rắc rối này.

Hội chứng về mắt do sử dụng máy vi tính (Computer Vision Syndrome hay CVS)
Các triệu chứng thường gặp của CVS là: căng thẳng về mắt hay mệt mỏi thị giác, khô mắt, cảm giác rát mắt, chói sáng, nhìn mờ, đau đầu và mỏi vai, mỏi cổ và lưng.
Nguyên nhân và cách xử lý


Có nhiều nguyên nhân dẫn tới CVS như: giảm lượng nước mắt đến giác mạc, quá nhiều ánh sáng chói hoặc ánh sáng phản xạ từ màn hình, vị trí đặt màn hình không đúng hay mắt bạn có tật khúc xạ cần đeo kính hoặc thay kính mới.
Sau đây chúng ta sẽ xem xét cụ thể và đưa ra hướng giải quyết cho từng vấn đề.
Làm giảm sự kích thích cho mắt


Mắt bị kích thích thường có các biểu hiện sau: mỏi mắt, khô mắt, nóng rát trong mắt và chói sáng.
Bạn chớp mắt có đủ không?
Khi chúng ta sử dụng máy tính, do quá chăm chú nên thường chớp mắt ít hơn thường lệ (chỉ bằng 2/3 số lần so với bình thường), thêm nữa do màn hình máy tính thường đặt cao hơn tầm mắt khiến ta phải nhướng mắt lên và mở to mắt ra, điều này làm cho mắt bị khô.

Hướng xử lý:
1. Bạn hãy chú tâm hơn đến việc chớp mắt.

2. Bạn hãy cho mắt nghỉ ngơi 15 phút sau mỗi giờ làm việc trên máy.

3. Nếu mắt quá khô, bạn có thể sử dụng thêm nước mắt nhân tạo (đặc biệt khi sử dụng máy tính mà có đeo kính tiếp xúc thì mắt sẽ dễ bị khô hơn).

Sự chói sáng và ánh sáng phản xạ từ màn hình


Ánh nắng mặt trời và đèn trong văn phòng đều có thể phản xạ lên màn hình và làm cho mắt ta khó chịu. Bạn nên lưu ý:
1. Sắp đặt vị trí màn hình sao cho cửa sổ ở về một bên.

2. Chỉnh màn cửa sao cho ánh nắng mặt trời không chiếu trực tiếp lên màn hình và mắt bạn.

3. Tắt bớt đèn trên trần nhà nếu quá sáng, còn trong trường hợp ngược lại bạn có thể sử dụng một ngọn đèn bàn có chụp.

Chú thích: Ðèn trong phòng quá sáng có thể làm giảm độ tương phản của màn hình. (ảnh 2)

4. Nếu sử dụng đèn bàn, bạn nên đặt đèn tại vị trí sao cho ánh đèn không phản chiếu lên màn hình.

5. Bạn có thể đặt thêm kính lọc cho màn hình để lọc bớt ánh sáng chói từ màn hình.

Hãy xem xét đến màn hình

Mọi người thường lo lắng về những tia bức xạ độc hại từ màn hình máy tính nhưng thực sự thì lượng bức xạ này thường thấp hơn mức tối đa cho phép.

Màn hình nên được đặt cách mắt 50-60cm và tâm của màn hình nên đặt thấp hơn tầm mắt từ 10-20cm vì mắt chỉ làm việc thoải mái khi chúng ta liếc nhẹ xuống đọc sách hoặc làm việc gần. Nếu màn hình thấp hơn hoặc cao hơn vị trí này sẽ làm ta hay bị mỏi cổ, gáy và tai.

Bạn cũng nên thường xuyên lau bụi cho màn hình vì bụi sẽ làm giảm độ tương phản (contrast) của màn hình.

Sự chiếu sáng và độ tương phản của màn hình

Trước khi chỉnh độ sáng và độ tương phản của màn hình, ta cần lưu ý đến cường độ chiếu sáng trong phòng vì nếu phòng quá sáng thì màn hình cũng phải chỉnh cho sáng để có thể đọc được chữ trên đó. Do đó ta cần lưu ý điều chỉnh lượng ánh sáng trong phòng không quá sáng hoặc quá tối, sau đó sẽ chỉnh đến độ sáng và độ tương phản của màn hình cho đến khi mắt cảm thấy dễ chịu.

Cỡ chữ và màu sắc

Việc chỉnh cỡ chữ của trang văn bản cũng giúp làm giảm những cố gắng gây mệt mỏi về thị giác. Cỡ chữ lý tưởng là cỡ chữ gấp 3 lần cỡ chữ nhỏ nhất mà ta có thể đọc được. Muốn chỉnh được cỡ chữ này ta chỉ cần đứng xa máy tính một khoảng cách gấp 3 lần khoảng cách thông thường sử dụng máy và chỉnh cỡ chữ sao cho nhỏ nhất mà ta vẫn có thể đọc được.

Tốt nhất là ta nên chọn chữ đen trên nền trắng, hoặc chữ đậm trên nền sáng cũng có thể chấp nhận. Không nên chỉnh cho độ tương phản giữa chữ và nền quá kém hoặc đọc chữ trên một nền quá rối rắm sẽ dễ gây mệt mỏi về thị giác.

Chất lượng của màn hình

Chất lượng của màn hình cũng ảnh hưởng đến sự thoải mái về thị giác khi sử dụng.

Ba yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của màn hình là: tốc độ quét, độ phân giải và điểm ảnh. Ta được khuyên nên sử dụng màn hình có tốc độ quét là 80Hz, độ phân giải 800 x 600 và điểm ảnh dưới 0,28mm.

KÍNH ÐEO MẮT SỬ DỤNG CHO MÁY TÍNH


Nếu bạn có tật khúc xạ, việc đầu tiên là bạn nên đeo kính khi sử dụng máy vi tính vì các tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị hay cận thị nếu không được điều chỉnh hoặc điều chỉnh không đúng sẽ dẫn đến nhức mỏi mắt khi làm việc lâu trên màn hình.
Dấu hiệu của tật khúc xạ là bạn nhìn mờ và hay mỏi mắt khi làm việc với máy vi tính. Khi đó bạn nên đi đo mắt, các bác sĩ nhãn khoa và kỹ thuật viên khúc xạ sẽ đo mắt và có lời khuyên về việc đeo kính thích hợp.

Nếu bạn ở tuổi lão thị (trên 40 tuổi) thì càng cần phải dùng kính khi làm việc với máy tính. Nhưng việc chọn kính cho người lão thị sử dụng máy tính hơi phức tạp vì màn hình máy tính ở thị giác trung gian chứ không phải ở thị giác gần hoặc thị giác xa. Trong trường hợp này kính 2 tròng thường không phù hợp vì tròng dưới chỉ phục vụ cho thị giác gần, người đeo phải ngẩng đầu lên cao và sát vào màn hình mới thấy chữ do đó dễ gây mỏi cổ.

Giải pháp là ta có thể sử dụng kính 3 tròng, nhưng kính này hơi hiếm trên thị trường Việt Nam cộng với vùng thị giác trung gian của loại kính này không lớn lắm nên việc đọc cũng không được thoải mái. Nếu đeo kính công suất tăng dần (kính progressive) thì ta nên chọn loại đặc chủng dùng cho máy vi tính vì loại này cho người đeo một thị trường trung gian khá rộng, loại kính này còn có ưu điểm là giúp ta nhìn rõ ở mọi khoảng cách (nhưng bất lợi là giá hơi cao). Còn nếu không ta có thể dùng kính đọc sách (loại kính 1 tròng) dùng riêng khi làm việc trên máy tính.

Kính đeo mắt dùng cho máy tính được khuyên là nên dùng loại tròng có chống tia phản xạ (tròng chống lóe) vì sẽ làm giảm bớt lượng ánh sáng phản xạ từ 2 bề mặt kính đeo gây mệt mỏi thị giác.

Bạn cũng không nên đeo loại kính lão có độ làm sẵn vì loại kính này được lắp hàng loạt theo những số đo nhất định nên chưa chắc đã phù hợp với từng người.


Kính đeo mắt phù hợp sẽ giúp chúng ta rất nhiều khi sử dụng máy tính, như giúp ta tránh khỏi nhức mỏi mắt, đau đầu, mỏi gáy, mỏi cổ…


Tuy nhiên chúng ta cũng cần chú ý đến một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là việc sắp xếp chỗ ngồi làm việc sao cho hợp lý.

VIỆC SẮP XẾP CHỖ NGỒI LÀM VIỆC

Việc sắp xếp chỗ ngồi làm việc không hợp lý sẽ dẫn tới đau đầu, mỏi cổ, mỏi gáy và mỏi vai.
Bạn hãy để màn hình thẳng ngay trước mặt chứ đừng để lệch về một bên.
Màn hình nên để cách mắt từ 50-60cm, không để quá cao cũng như quá thấp (tầm màn hình thấp hơn tầm mắt từ 10-20cm).
Khi ngồi bạn nên chỉnh ghế sao cho 2 cẳng tay của bạn song song với nền nhà, 2 đùi vuông góc với cẳng chân và 2 bàn chân của bạn được đặt phẳng trên nền nhà.
Bạn cũng nên nhớ luôn luôn giữ thẳng lưng và 2 vai giữ ngang bằng.
Nếu khi đánh máy bạn sử dụng đồ kẹp hồ sơ thì kẹp nên để càng sát màn hình càng tốt.

Theo SK& ÐS 216

 

 

 

 

 

Xem thêm: –> Tập thể dục mắt

Bình luận về bài viết này